CHUYÊN ĐỀ CHUYỆN VỢ CHỒNG LÀM SAO ĐỂ CÓ SỰ HÒA HỢP GIỮA CON DÂU VỚI MẸ CHỒNG
Đan Uyên
Từ xưa đến nay, đã có biết bao câu chuyện và tốn biết bao giấy mực của báo chí, văn thơ, kịch bản phim, thoại kịch, sân khấu cải lương… về mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu. Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu không phải là điều gì mới lạ, thậm chí còn được xem như là một mâu thuẫn cơ bản trong quan hệ gia đình, nhất là những gia đình con dâu ở chung với mẹ chồng. Ngày nay, có rất nhiều người con dâu không biết nên phải chung sống với mẹ chồng như thế nào cho hoà hợp. Vì chỉ khi trong nhà ấm êm, hòa thuận, thì cuộc hôn nhân của người phụ nữ mới viên mãn trọn vẹn. Bà Minh sống tại quận Cam, bà có 9 người con, bao gồm 5 con trai và 4 con gái. Bà tự hào cho biết không chỉ là với những người con trai, con gái mà với các con dâu, con rể, bà luôn dành tình thương chân thành với họ. Bà chỉ nghĩ đơn giản rằng, khi mình thương và đối đãi tốt với con dâu, thì con dâu cũng sẽ thương con trai của mình hơn, và với con rể cũng vậy, sẽ thương con gái của mình hơn khi được mẹ vợ xem như con trai.
Theo bà Minh, với những người con dâu truyền thống ngày xưa, người con dâu phải luôn giữ lễ giáo “cơm bưng nước rót”, “đi thưa về trình” với mẹ chồng. Có những nơi tại Việt Nam, con dâu gọi mẹ chồng là u, có nơi gọi là mẹ, có nơi còn gọi là đẻ. Vì người con dâu muốn kính trọng người mẹ chồng giống như mẹ đẻ của mình. Sáng ra, những người phụ nữ làm dâu phải dậy sớm để đun nước pha trà. Có nhiều người con dâu rất hiếu đạo với mẹ chồng. Họ rất thương kính người mẹ chồng.
Nhưng ngày xưa vẫn thường xuyên xảy ra những xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu. Vì có những người mẹ chồng nghĩ rằng kể từ khi con trai họ kết hôn, người con trai chỉ còn lo cho vợ, san sẻ tình thương đi. Người mẹ thấy mình mất đi tình thương sớm tối mà con trai từng dành cho mẹ. Đây là tính ích kỷ. Vì tính ích kỷ, cho nên mới có chuyện ghen tương. Họ không muốn tình thương chia sẻ đi. Có những người mẹ chồng đối với con dâu rất cay nghiệt, họ “bắt khoan bắt nhặt”. Họ “bắt lỗi bắt phải” từng li từng tí. Mà có khi, người mẹ chồng ở nhà quê còn có những lời chửi rủa con dâu khi họ không hài lòng. Đó là những điều rất đau lòng trong mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu.
Bà Minh kể, “Tôi biết, hiện nay ở bên Mỹ vẫn còn những bà mẹ chồng người Mỹ gốc Việt rất cay nghiệt với con dâu. Người con dâu phải đi làm cực khổ, chứ họ đâu có ở nhà chơi đâu, cũng phải dậy sớm chuẩn bị đi làm, đưa con đi học, chiều tối mới về. Vậy mà vẫn có những người mẹ chồng muốn con dâu phải đảm đang, săn sóc lo lắng cho gia đình, lo cho mẹ chồng, lo cơm nước, nếu con dâu không làm được vẹn toàn, thì họ bực bội, khó chịu, nói bóng gió xa xôi.
Nếu cô con dâu nào thông minh, thì cô ấy hãy nghĩ rằng vì không phải mẹ ruột, nên không hiểu mình. Hãy nghĩ thoáng một chút, “thôi, đừng chấp người già lẩm cẩm”. Khi đã nghĩ vậy thì tự nhiên cô con dâu không còn thấy ấm ức hay nặng lòng vì sự khó tính của mẹ chồng nữa. Thường những người già không có khả năng tiếp thu thông tin, nhận thức về cuộc sống nhanh nhạy và dễ điều chỉnh như những người trẻ. Người già dễ trở nên bảo thủ và tiêu cực là vì thế. Cũng đừng nghĩ rằng con cái có thể điều chỉnh được sự trái tính đó của cha mẹ. Nhưng con cái có thể điều chỉnh chính mình, tăng cường khả năng đối thoại với cha mẹ. Hãy nói chuyện với họ nhiều hơn, nghe họ nói nhiều hơn.
Họ sợ mất đi tầm quan trọng trong cuộc sống con cái, sợ mất đi vai trò, mất đi ý nghĩa với con cháu nên hãy quan tâm họ nhiều hơn để họ yên tâm là họ luôn được yêu kính, không bao giờ bị bỏ rơi. Đồng thời hãy tạo điều kiện cho họ tham gia nhiều các hoạt động xã hội, giúp họ đi chơi, giao lưu nhiều hơn để họ có nhiều việc riêng để quan tâm, thay vì chỉ có mỗi một mối quan tâm là con cháu.
Những người con dâu gặp phải mẹ chồng khó tính, hay bắt lỗi bắt phải, thì không nên tỏ thái độ khó chịu, hỗn hào, cãi lại, mà vẫn nên tỏ ra yêu kính bà mẹ chồng, dần dần sẽ cảm hóa được bà mẹ chồng đó để bà yêu thương mình, quý trọng mình.
Bà Minh kể, “Tôi biết, ở bên này cũng có những gia đình mẹ chồng rất sợ nàng dâu. Vì thương con trai mình, nên sợ con dâu hành hạ con trai mình. Tôi thấy có nhiều bà mẹ chồng dễ thương lắm, lo nấu cơm, trông cháu. Sáng dậy làm sẵn thức ăn cho con trai con dâu đem theo đi làm. Chiều chuộng con dâu lắm. Những cô con dâu có mẹ chồng như vậy, lẽ ra phải cảm ơn bà mẹ chồng. Đằng này cô ấy nghĩ, mình cũng đi làm đem tiền về phụ với con trai bà ấy, nên bà ấy phải tử tế với mình là chuyện đương nhiên. Gặp những bà mẹ chồng tính tình đơn giản không nói, nếu mẹ chồng đó hơi sâu sắc, gặp những con dâu như vậy, mẹ chồng sẽ cảm thấy bực mình. Mà khi bực mình thì bản thân người mẹ chồng đó làm khổ tâm trí mình trước tiên. Hãy nên nghĩ thoáng một chút, thì chính mình sẽ không buồn khổ mệt mõi.
Nếu người con dâu đó biết nghĩ rằng mẹ chồng cũng nghĩ đến mình, thương mình, lo cho mình, vì vậy bày tỏ sự yêu kính, biết ơn sự vất vả của mẹ chồng, thì bà mẹ chồng càng thương con dâu hơn. Trong những gia đình có con dâu mẹ chồng bất mãn nhau, có những bà mẹ chồng quá khó khăn, đòi hỏi này kia từ con dâu. Nhưng cũng có những bà mẹ chồng dễ thương lắm. Có bao nhiêu tiền dành dụm đều đưa hết cho con trai mua nhà cho vợ con ở, các cụ xin tiền già, nên không dám đứng tên căn nhà đó. Con dâu nghĩ đây là nhà bố mẹ chồng cho vợ chồng mình rồi, nên nghĩ đây là nhà mình. Lẽ ra nên đối xử tử tế với mẹ chồng, nhưng họ lại nghĩ chuyện đương nhiên. Đây là điều không hay chút nào
462 total views, 1 today