Kinh Doanh Supply và Nạn Phá Gía

Thường thì khi một ngành nghề càng phát triển tốt sẽ luôn đồng nghĩa là áp lực cạnh tranh ngày một lớn hơn. Ngành Nails Supply của người Mỹ gốc Việt cũng không tránh khỏi nạn phá giá như các Nails Salon. Hiện nay mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho ngành Nails ở Hoa Kỳ ngày càng phát triển hơn. Cũng giống sự cạnh tranh về giá của các tiệm Nails, giữa các tiệm supply của người Việt làm chủ trên cùng một địa bàn, một khu vực cũng đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ bất kể dưới hình thức lành mạnh hay không lành mạnh. Một số tiệm supply người Mỹ gốc Việt chọn giải pháp từ bỏ các khu vực trung tâm để về các vùng ven, mở tiệm mới để tận dụng lợi thế cạnh tranh của người đến trước; tuy nhiên lợi thế ấy sẽ nhanh chóng mất đi khi có những người đến sau mở tiệm trên cùng địa phương đó. Nạn dịch mang tên Phá Giá đang lan rộng trong các tiệm supply của người Việt, và thực tế đang tạo ra sự ảm đạm và tâm lý lo lắng chung cho tất cả những ai đang gửi nồi cơm, tấm áo của bản thân và gia đình vào ngành nail. Nhiều tiệm để có giá rẻ, với một số sản phẩm như móng giả, dụng cụ trong ngành Nails như giũa, buffer… về Việt Nam mở xưởng để sản xuất với giá nhân công rẻ, rồi nhập hàng qua lại Mỹ bán.
Khó khăn hiện tại của các chủ tiệm supply
Ông Hổ là đồng chủ nhân một tiệm supply tại thành phố Westminster, có kinh nghiệm kinh doanh supply khoảng 20 năm cho biết, “Ngày trước, bán supply, món hàng bán ra, người chủ supply lời ít nhất là 25 đến 65 phần trăm từ món hàng đó. Ví dụ món hàng đó chủ bỏ ra 5 đồng, bán ra sẽ được 8 đồng, lời 3 đồng. Còn những tiểu bang miền Đông ít tiệm supply để cạnh trnah như tại Nam California, thì lời 100 phần trăm. Nghĩa là tiền vốn món hàng đó 5 đồng, bán ra 10 đồng. Còn khoảng một hai năm nay, kinh doanh ngành supply tại California chỉ còn lời khoảng 15 phần trăm hoặc ít hơn, ví dụ món hàng đó bỏ vốn 5 đồng, bán ra chỉ lời được 25 xu. Vì các tiệm khác đều hạ giá sản phẩm để bán, nếu tiệm mình không hạ giá theo thì khách sẽ tìm mua tiệm khác giá rẻ hơn, dần dần mình giữ hàng tồn trong tiệm nhiều rồi thâm vào vốn, sẽ phải đóng tiệm. Vì vậy nếu sản phẩm nào những tiệm khác đều hạ, mình phải hạ theo, thì mới giữ khách được. Nếu các tiệm supply của Mỹ chỉ bán hạ giá một thời hạn nào đó, rồi lên giá lại, để vào hàng mới. Còn các tiệm supply người Mỹ gốc Việt cứ hạ giá quanh năm, dẫn đến tình trạng phá giá, giết chết nhau. Tiền thuê mặt bằng ở những tiểu bang miền Đông rẻ hơn ở California, tiền nhân viên cũng rẻ hơn, nên những tiệm supply ở miền Đông sống khỏe hơn. Còn ở San Jose mắc hơn ở Nam Cali, nên không cạnh tranh lại với tiệm supply ở Nam California, Nam California cũng không cạnh tranh lại supply ở Arizona, Las Vegas, ở Las Vvegas không cạnh tranh bằng Texas. Những tiệm mạnh về bán hàng supply trên online là những tiệm ở miền Đông, tiền thuê kho ở bên đó vẫn rẻ hơn bên này, tiền sipping đồ vẫn rẻ hơn. Những tiệm supply ở miền Đông không nhiều như tại California, nên lượng khách không bị chia ra như ở California, vì vậy sống khỏe hơn. Tiền cước phí từ Nam Cali mà chuyển đồ qua Florida chẳng hạn, sẽ mắc, nên không thể cạnh tranh được những tiệm bán online ở miền Đông. Đây là sự cạnh tranh rất khốc liệt. Cho nên muốn tồn tại trong ngành supply thời buổi này, không phải là chuyện dễ.”
Ông Hổ nói, người Việt chúng ta khi kinh doanh supply, đa phần theo kiểu kinh doanh gia đình, không giải quyết vấn đề thăng tiến được, mà chỉ giải quyết công ăn việc làm thôi. Vì khi mạng lưới phát triển rồi, thì không còn kiểu gia đình nữa. Nó phải cần có hội đồng điều hành, thì mới phát triển lâu dài được. Khi có hội đồng điều hành, theo tôi vốn quan trọng nhất là vốn kiến thức, mới đề ra chiến lược, chiến thuật kinh doanh, còn nếu có vốn tài chính, mà không có chiến lược, chiến thuật kinh doanh đúng thì vốn cũng tiêu tan. Nếu có chiến thuật kinh doanh đúng, thi 10 đồng làm vẫn mạnh hơn là 10 ngàn. Vì biết cách quay đồng vốn, hàng về trong vòng 30 ngày phải đi. Còn người ỷ y có vốn mạnh, để hàng trong tiệm lâu ngày, thì hàng cứ ứ đọng. Mô hình kinh doanh của supply hiện nay cần có thêm hình thức bán online thì mới sống nổi, muốn đứng vững phải có online. Phải chú trọng quảng bá bằng hình thức social media marketing trên face book, you tube, Nails show tại tiệm. Tiệm supply không nên chỉ là nơi cung cấp sản phẩm, mà cần trở thành địa điểm để người thợ nail Việt học hỏi những kỹ thuật mới, những sản phẩm mới qua những Nails show với những chuyên viên giỏi nghề đến hướng dẫn tại tiệm cho các chủ tiệm Nails, thợ Nails đến học và trau dồi nghề nghiệp.”
Cạnh tranh khốc liệt
Một chủ nhân tiệm supply tại quận Cam xin không tiết lộ tên, kể rằng, hồi trước chủ nhân supply người Việt muốn qua Trung Quốc mua món hàng về lại Mỹ để bán lẻ, những nhà cung cấp sản phẩm đó phải biết rõ tiếng Hoa, biết đường đi nước bước. Bây giờ đã toàn cầu hóa rồi, nên mọi nhà cung cấp sản phẩm đều có thể trở thành một nhà sản xuất nhập cảng. Nó không còn là bí mật như ngày xưa nữa. Hồi xưa những người bán supply thường không có vốn nhiều, cho nên đi mua lại của người khác, rồi bán lại. Ở Mỹ, người ta bán theo thương lượng giá chứ không phải theo tình cảm. Nghĩa là người chủ supply mua càng nhiều sản phẩm với nhà sản xuất, thì sẽ có giá càng rẻ.
Ví dụ mỗi công ty cung cấp sản phẩm cho tiệm Supply Nails sẽ có ký hợp đồng với tiệm là 60 hoặc 120, hay 240 và 480. Hợp đồng 60, nghĩa là 60 ngàn/ 1 năm, chia cho một năm. Mỗi tháng bán sản phẩm đó được 5000 đồng thì tiệm được công ty cho lời 30 phần trăm/ 1 năm. Nếu ký hợp đồng 120 ngàn, thì được công ty cho huê hồng 40 phần trăm/ năm. Nếu nhận 240, thì được huê hồng 45 phần trăm trên giá gốc. Còn nếu hợp đồng 480 ngàn / 1 năm thì được huê hồng 65 phần trăm/ 1 năm.
Còn hợp đồng 960 ngàn hay 1 triệu/ 1 năm, thì được huê hồng 65 phần trăm cộng thêm bonus 15 phần trăm nữa.
Người chủ supply nào có nhiều tiền, thì mua nhiều sản phẩm vào, vừa bán sỉ cho những nơi bán supply nhỏ khác, bán mối lại cho những bạn hàng, đồng thời vừa bán lẻ cho thợ và chủ tiệm nail. Do đó những người không có khả năng mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, thì sẽ mua qua một người supply khác. Nhưng có thời gian người ở bên Việt Nam qua bên này với vốn nhiều, tham gia vào lĩnh vực supply. Nhờ nguồn vốn dồi dào, đã cạnh tranh lại những tiệm supply nhỏ. Các chủ nhân có vốn mạnh, mua sản phẩm với giá thật rẻ, và bán ra cho khách mua lẻ với giá rẻ bằng giá mua vào của những người supply nhỏ. Hình thức này có tính cách “cá lớn đớp cá bé”.
Những tiệm nhỏ trước nguy cơ bị cạnh tranh này, đã đoàn kết lại với nhau, để thành một supply lớn có vốn mạnh và thương lượng với nhà sản xuất để mua sản phẩm với giá thương lượng cũng tương đương với những người có vốn mạnh, sau đó chia sản phẩm ra về bán lại tiệm của mình, do đó những supply có vốn mạnh, vẫn không thể nuốt hết cá bé, vì cá bé nhiều quá, nuốt không hết nổi. Thủ thuật đó hiện nay đang phổ biến, người nhỏ nào làm ăn lương thiện thì vẫn sống được.
Bên cạnh giải pháp tích cực của những tiệm supply làm ăn lương thiện, thì vẫn tồn tại hình thức bán phá giá không lương thiện để cạnh tranh. Người chủ supply giấu tên này cho biết, để có giá rẻ, nhiều chủ nhân supply chấp nhận bán sản phẩm giả sản phẩm cao cấp của những thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ. Hàng giả này phẩm chất cũng khoảng 8, 9 so với sản phẩm cao cấp, nhưng vì không có thương hiệu, về quảng bá sản phẩm thị trường không bằng, nên họ mượn thương hiệu cao cấp đã có để bán ra với giá cao như hàng cao cấp. Một mặt, những sản phẩm cao cấp thường được đặt mã số trên mỗi sản phẩm theo từng vùng khác nhau, để công ty kiểm soát được hàng ở mỗi vùng theo từng tổng đại lý, tránh bị bán phá giá. Ví dụ như chai nước sơn OPI có mã số trên chai nước sơn. Một số chủ nhân supply Việt Nam đảm nhận vai trò tổng đại lý cho sản phẩm cao cấp này, đã ham lời, chấp nhận bán ra cho các supply nhỏ các lô hàng với giá rẻ hơn giá quy định của công ty vì các supply này mua số lượng nhiều gấp đôi hay gấp ba, gấp bốn số lượng họ bán ra bình thường, với giá công ty quy định. Những supply nhỏ mua rẻ, nên bán ra rẻ hơn những supply khác để thu hút khách hàng. Để tránh bị phát hiện, nhiều supply mua hàng từ những vùng khác về bán lại tiệm mình, đã mài đi mã số vùng trên chai nước sơn OPI. Chưa kể, còn bán sản phẩm OPI giả trong tiệm mình. Do tình trạng người Việt đã bán phá giá và làm hàng giả sản phẩm này có thời gian, công ty OPI đã ngưng cung cấp toàn bộ sản phẩm cho những supply là tổng đại lý người Việt trên toàn nước Mỹ. Rồi sau đó, họ tuyển lựa lại người supply làm ăn chân chính cho công ty. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất sản phẩm cao cấp sẽ ngưng cung cấp hàng và không cho phép bán sản phẩm của họ nữa đối với những supply nào có bán hàng online, để tránh bị tráo hàng giả Trung quốc vào và phá giá.
Ngoài ra cũng theo người chủ tiệm supply giấu tên, có một số tiệm supply bán phá giá những sản phẩm cao cấp với giá rẻ, có giá bán ra cho người tiêu dùng bằng giá mua vô của những tiệm supply khác, thực chất đây là những sản phẩm vốn là hàng ăn cắp, do những người giao hàng của tổng đại lý giữ lại, rồi tìm đến các supply này để bán rẻ với tiền cash. Những khách hàng thích mua giá rẻ, là những khách hàng không trung thành, khi có nơi khác rẻ hơn, họ sẽ tìm đến để mua.
Cạnh tranh là tất yếu trong thực tiễn kinh doanh của mọi ngành, nhưng bán phá giá là một hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, một bước lùi sai lầm trong kinh doanh, và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành Nails của người Việt hiện nay.
2550 total views, 1 today