Lễ Cúng Ông Táo Của Gia Đình Người Việt tại Little Saigon
Hoàng Lan

Thứ Năm, ngày 4 tháng 2 năm nay nhằm ngày 23 tháng Chạp âm lịch
năm Canh Tý. Theo thông lệ hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, người
Việt ở trong nước thường chuẩn bị các lễ vật để cúng ông Công, đưa ông
Táo về trời. Còn với những người Việt hải ngoại thì liệu những phong
tục đó còn giữ hay không?
Chị Quyên sống tại thành phố Westminster qua Mỹ định cư hơn 20 năm
cho biết, việc cúng ông Công ông Táo là tập tục dân gian, là nét đẹp
trong văn hóa tâm linh của người Việt. Chị không hẳn là vì quá tin vào
câu chuyện các ông lên tâu Ngọc Hòang mọi chuyện xảy ra trong căn
bếp nhà mình, mà vì muốn giữ một tập tục lâu đời của ông bà, một
nét đẹp truyền thống đã khắc hoạ vào tâm trí của những người Việt xa
xứ. Dù qua Mỹ định cư, nhưng gia đình chị vẫn luôn duy trì phong tục
này hằng năm. Không như khi còn ở Việt Nam, gia đình chị cúng ông
Táo bên này có khi soạn mâm cỗ thịnh soạn, có lúc không tiện thì chỉ
giản dị với mâm trái cây, bông và thắp nhang để đưa ông Công ông Táo
về trời. Đây là điều mà ba má chị, mẹ chồng và bản thân chị gắng giữ
một phần vì muốn giữ gìn nề nếp truyền thống của tổ tiên. Chị Quyên
chia sẻ, “Một phần, tôi cũng muốn con cái mình hướng về văn hóa Việt
Nam, để các con hiểu về những giá trị tinh thần của người Việt mình.
Nhờ ở chung với mẹ chồng, nên ngày cúng ông Công ông Táo năm nào
rơi vào ngày thường tôi bận đi làm thì đã có mẹ chồng thay tôi cúng.
Nếu là ngày nghỉ thì tôi cùng mẹ chồng soạn mâm cúng thịnh soạn hơn.”
Một phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam.
Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong
nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông
Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc
làm Thiện-Ác của loài người.
Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép
lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người
trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.
Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo
(hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia
đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ
và những người trong nhà.
Bà Mai sống tại mobile home Del Prado Mobile Home Park trên đại lộ
Bolsa- Trần Hưng Đạo cho biết, vào ngày cúng ông Công, ông Táo mâm
cúng bà chuẩn bị gồm trái cây, gà luộc, xôi, nem rán, bà còn kèm thêm
cá chép (làm bằng giấy), mũ ông Táo…để cầu mong cho gia đạo của
mình được ấm no, hạnh phúc. Những vật dụng như cá chép bằng giấy
hay mũ ông Táo trên có thể tìm mua trong các chợ Việt hoặc khu China
Town ở Los Angeles.
Cúng Cá Chép và Phong Tục Tiễn Ông Táo của Người Dân Ba Miền
Theo phong tục của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm,
người dân 3 miền Bắc – Trung – Nam bắt đầu chuẩn bị dọn dẹp bếp núc
để tiễn ông Công ông Táo về trời, cầu năm mới bình an, no ấm.
Giữa các vùng miền, việc cúng ông Công ông Táo có một số nét chung,
nhưng cũng có sự khác biệt theo tập tính văn hóa. Lễ cúng ông Táo
thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch
(có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp)
bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ
không nhận được đồ cúng.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo
Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép.
Một số gia đình có thể mua cá chép giấy (đốt cùng vàng mã sau khi
cúng), phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu
nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ
hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.
Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua
vũ môn lên trời và hoá thành rồng được..
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép
hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần
vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công,
biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả
tốt đẹp.
Lễ cúng ông Táo ở miền Bắc
Thông thường một mâm cỗ đầy đủ nhất có: một đĩa gạo, một đĩa muối,
thịt gà, một bát canh, một đĩa xào thập cẩm, một đĩa giò, một đĩa xôi,
một đĩa hoa quả, ba chén rượu, một quả cau, lá trầu, một lọ hoa, một tập
giấy tiền, vàng mã.
Một thứ không thể thiếu là cá chép (còn sống hoặc cũng có thể dùng loại
vàng mã) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.
Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ hóa vàng đồ lễ. Nếu có cá sống thì sẽ đem
thả xuống sông, hồ…
Lễ cúng ông Táo ở Miền Trung
Người miền Trung thường làm lễ tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp
rất trọng thể. Việc đầu tiên là phải thay cát mới trong lư hương và lau
dọn bàn thờ ông Táo (ngay bếp chính trong nhà) sạch sẽ. Ngoài một
mâm cỗ mặn, người dân thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên,
cương đầy đủ.
Sau khi cúng xong, tượng ba Táo quân cũ bằng đất nung được tiễn khỏi
bàn thờ bếp và đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ
thụ ngã ba đường. Tiếp đó, người dân sẽ rước tượng 3 Táo quân mới lên
bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo.
Người dân Huế còn có tục dựng cây nêu trước sân nhà hay sân đình
trong sáng 23 tháng Chạp.
Lễ cúng ông Táo ở Miền Nam
Ngoài những vật phẩm cúng chủ đạo trên, người miền Nam có thêm một
đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen (kẹo thèo lèo) và một bộ “cò bay, ngựa
chạy” (cò bay, ngựa chạy là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy,
không phải áo mũ có khung tre cầu kỳ như miền Bắc).
Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm trái cây
đơn giản để cúng Táo quân. Một số nơi có thể không mua cá chép thả
trong chậu rồi thả ra sông.
Tại miền Nam, người dân cũng thường tiễn ông Táo vào buổi tối, từ 8h
đến 11giờ đêm.
579 total views, 1 today