NGUY HẠI CỦA CÁC HÓA CHẤT TRONG NGHỀ NAILS
Những người thợ Nails phải tiếp xúc với hóa chất mỗi ngày khi thực hiện công việc của mình. Thông thường để làm một bộ Nails acrylic, người thợ phải dùng dung dịch EMA và bột polymer, pha chế một hỗn hợp keo để đắp trên móng tự nhiên rồi phủ móng nhựa lên trên, người thợ cần khoảng 1 gr bột và 0.5 oz chất lỏng. Dù EMA không độc hại như chất Methyl methacrylate (MMA), nhưng bụi của nó khi người thợ giũa móng mà hít phải thì sẽ nằm sâu trong buồng phổi.
Được biết, theo luật, mức độ tối đa của EMA trong tiệm là 100 part per million (ppm) trong 8 giờ làm việc, 40 giờ một tuần.
Nếu có 5 người làm móng cùng một lúc thì nồng độ EMA có thể là 30 ppm, vậy thì suốt 8 giờ các người thợ đó đã chịu biết bao ảnh hưởng không tốt của EMA. Ngoài ra khi người thợ làm móng tay và móng chân cho khách, các loại chất tẩy rửa sơn làm móng có thể chứa dung môi, bao gồm acetone. Lớp sơn nền, lớp sơn màu, lớp sơn phủ cũng có thể có dung môi (toluene, acetone và ethyl/butyl acetate) và các loại nhựa làm cho các lớp sơn cứng lại. Những loại nhựa này chứa formaldehyde hay dibutyl phthalate.
Có nhiều loại móng giả, tất cả những loại móng này được làm từ vài loại nhựa acrylic. Các loại sơn lót cho móng có thể chứa chất methacrylic acid. Chất lỏng và chất bột tạo nên loại móng nhựa acrylic có thể chứa methyl- hoặc ethyl methacrylate. Loại chất lỏng đặc sệt hơn để tạo nên loại móng gel có thể chứa gel acrylic. Móng nhựa acrylic được làm khô bằng gió, móng loại gel được làm khô bằng đèn cực tím.
Keo gắn móng được sử dụng để dán móng định hình trước bằng nhựa hay các lớp bằng sợi thủy tinh, lụa hoặc sợi lanh lên trên móng của khách hàng có thể chứa cyanoacrylate. Các lớp sơn móng có thể chứa gel acrylic hoặc cyanoacrylate.
Đối với những hóa chất độc hại như Dibutyl Phthalate tức DBT (được pha vào trong các chất nhựa dẻo làm móng giả và nước sơn móng tay), chất toluene và formaldehyde… mà cơ quan quản lý môi trường (EPA) nghiên cứu, cho rằng đó là những chất có thể gây ra bệnh suyễn và ung thư… Nên luật của chính phủ đã cấm sử dụng từ những năm đầu thập niên 1990, chính những công ty sản xuất cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi để về pha chế thành nước sơn, đã lấy những chất độc hại đó ra trước khi đến tay chúng tôi rồi. Khi mở ra công ty, những nhà sản xuất sản phẩm Nails gốc Việt luôn cố gắng tuân thủ luật lệ, luôn sử dụng những hóa chất được cơ quan F.D.A chuẩn thuận, tham dự những buổi họp của những công ty mẹ (mother company) chuyên cung cấp nguyên liệu cho mình, để nắm được những thông tin cần thiết, những gì mới. Các nàh sản xuất sản phẩm Nails còn tham gia vào hiệp hội Professional Beauty Assoction (PBA) để luôn theo dõi tin tức của ngành thẩm mỹ, và cập nhật hóa luật lệ, thay đổi việc sử dụng các hóa chất liên quan đến nghề nghiệp.
Nguy hại khi tiếp xúc hóa chất hằng ngày
Với người tiêu dùng bình thường, việc mở một chai nước sơn mỗi ngày thường không được coi là nguy hiểm, mà những nhà nghiên cứu tính trong tương lai của 20 hay 30 năm sau. Một số nhà nghiên cứu về nguy hại của hóa chất cho biết nếu bạn nổ máy xe, mà đóng cửa gare, thì không tốt, nhưng mà nếu nổ máy xe, mà mở cửa gare thì không sao. Do vậy các tiệm Nails có quá nhiều mùi, do đó rất cần gắn thêm những thiết bị lọc khí để cải tiến môi trường salon được an toàn hơn.
Các tiệm salon nên gắn hệ thống thông khí, lọc khí tốt, hệ thống đẩy hơi và bụi ra hẳn ngoài salon, kéo lượng hơi độc xa tầm mũi và miệng của người bên trong tiệm, tạo không khí sạch cho salon. Nên thường xuyên thay lọc khí, mở rộng cửa và cửa sổ để thông khí tự nhiên.
Trong một bài báo Việt ngữ tác giả có viết rằng “Theo một tờ báo American Journal of Epidemiology có một báo cáo y tế được thực hiện ngày 21 tháng 5, 2010, trong 325,228 thợ móng tay có bằng cấp có 9,044 trường hợp bị ung thư. Con số tỷ lệ ung thư là 0.87 %. Và tỷ lệ ung thư phổi là 1.21 % trên tổng số hành nghề, tức cứ 100 người thợ làm móng có 1.21 người mắc bệnh ung thư phổi. Con số này là con số đáng tin cậy. Ngoài ra họ còn mắc các bệnh liên hệ tới đường hô hấp và ngoài da khác.”
Phản biện bài báo này, có ý kiến cho rằng, “nếu một người bình thường, đọc bài báo như thế, sẽ gây ra những lo lắng không cần thiết. Nếu thống kê đưa ra những con số về những người thợ Nails bị bệnh ung thư, vậy họ cũng cần cho độc giả biết những người không làm trong ngành Nails nhưng mắc bệnh ung thư chiếm bao nhiêu phần trăm, thì sẽ công bằng hơn. Cái gì cũng có 2 mặt, ví dụ về việc lái xe, nếu mà mọi người đều không lái xe, thì sẽ không có tai nạn trên xa lộ, vì lái xe mới có tai nạn, vì hằng ngày toàn nước Mỹ có vài trăm, hoặc vài ngàn tai nạn xe cộ. Nếu vậy thì làm sao mình đi làm, hay chuyển sang đi xe bus, mà đi xe bus cũng có tai nạn thì sao?”
Vì vậy mọi chất độc đều cần phải đạt tới một liều lượng tối thiểu trước khi nó có thể gây ra tác hại. Con người nói chung khác nhau nhiều về mức độ nhạy cảm với các hóa chất. Những người thợ Nails nên tìm hiểu mức độ nhạy cảm về hóa chất để có quy định đúng đắn về nghề nghiệp.
Trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật và y tế, hiểu biết của con người hôm nay khác với ngày trước đó mười năm. Có thể hôm nay, những hóa chất này xem là bình thường, nhưng vài năm sau, những nhà nghiên cứu lại phát hiện ra sản phẩm đó có những tác hại mà trước đó không biết.
Có ý kiến cho rằng, không có nhà sản xuất sản phẩm nào tại Mỹ lại vô lương tâm khi sản xuất sản phẩm, cho vào những hóa chất gây độc hại, chết người. Một khi họ biết có những chất nào gây ra độc hại, thì họ sẽ không cho hóa chất đó vào sản phẩm của họ. Nếu người tiêu dùng không muốn tiếp xúc hóa chất nào đó, thì nên tìm mua sản phẩm có thành phần hóa học trên nhãn hiệu, nhưng họ cũng cần phải biết rằng liều lượng của hóa chất đó phải đạt đến mức độ tối thiểu thì mới gây tác hại.
Mong rằng những tiệm Nails, thợ Nails hãy chọn sản phẩm có phẩm chất tốt do những công ty có uy tín để dùng, hơn là chọn giá rẻ từ những công ty không đặt tiêu chuẩn phẩm chất lên cao, sẽ rất khó phát triển ngành Nails về sau này.
498 total views, 1 today